Lịch sử Lăng Vạn Vạn

Lăng Vạn Vạn tọa lạc phần đất xứ Cù Bạc, làng An Cựu Tây, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên; nay là số 10 Trần Thanh Mại, phường An Đông, thành phố Huế. Lăng Vạn Vạn chỉ cách Kỳ Đài hơn 3 km về phía đông nam.

Sau năm 1945, lăng Vạn Vạn thiếu sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Giai đoạn 1953 - 1955, Ủy ban trị sự Nguyễn Phúc tộc (dưới sự lãnh đạo tinh thần của bà Từ Cung) đã vận động chính quyền cử 4 nhân viên ngành bảo tàng trực tiếp bảo vệ và chăm sóc lăng Vạn Vạn. Suốt hai thập niên kế tiếp, 1955 - 1975, lăng Vạn Vạn không có người coi sóc ngoại trừ nhóm nhỏ bà con thân thuộc. Trong cuộc tấn công Xuân Mậu Thân 1968, lăng bị hư hỏng nhẹ. Ngay sau đấy, bà Từ Cung kịp thời tiến hành tu sửa tạm một số bộ phận ở lăng bị sứt vỡ vì đạn pháo.[2]

Sau đó một thời gian dài lăng Vạn Vạn không được quan tâm, nghiên cứu. Đến Cuối năm 2002, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bắt đầu ký hợp đồng với ông Võ Văn Cam (1 trong 4 nhân viên từng phụ trách lăng Vạn Vạn giai đoạn 1953 - 1955) nhằm thực hiện nhiệm vụ: chăm sóc và bảo vệ lăng này.

Cũng cuối năm 2002, trên tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên - Huế, nhà nghiên cứu Phan Thuận An sơ khởi giới thiệu lăng Vạn Vạn rồi đề xuất ý kiến:

"Mặc dù lăng Vạn Vạn lâu nay ít được quan tâm giữ gìn vì những lý do khác nhau, nhưng với những giá trị lịch sử và kiến trúc, nói chung là giá trị văn hóa, di tích này xứng đáng được xếp hạng, bảo tồn và phát huy tác dụng như nhiều lăng tẩm khác của triều Nguyễn ở cố đô Huế".[2]